Thị trường xi măng đang có dấu hiệu sáng sủa hơn, đó là điều tích cực với các DN xi măng. Ngành xi măng đang làm chủ khá tốt vấn đề điều tiết cung – cầu.
Tiêu thụ xi măng, sắt thép, gạch ốp lát trong 2 tháng trở lại đây có mức tăng trở lại sau một thời gian dài ảm đạm. Cùng với thời điểm bắt đầu của mùa xây dựng, nhiều DN kỳ vọng có kết quả tăng trưởng sản xuất, kinh doanh tốt hơn.


Tuy nhiên, sau một thời gian dài đối diện với sức cầu yếu của thị trường, sự gia tăng về tiêu thụ sản phẩm không làm cho các DN tỏ ra quá mừng rỡ, thậm chí còn khá thận trọng. Để tránh rủi ro dư thừa sản phẩm so với khả năng tiêu thụ của thị trường, hầu hết các nhà máy có lượng tồn kho chỉ tương đương 12 - 14 ngày sản xuất.

CTCP Xi măng Fico Tây Ninh cho biết, nhu cầu thị trường gia tăng trở lại, hiện nhà máy đã chạy hết 100% công suất. 4 tháng qua, công ty đã tiêu thụ 450.000 tấn xi măng, tăng 10% so với cùng kỳ. Cần phải nói thêm, năm 2013, trong bối cảnh thị trường xi măng đầy rẫy khó khăn, nhưng CTCP Xi măng Fico vẫn sản xuất và tiêu thụ gần 1,5 triệu tấn xi măng, với tổng doanh thu 2.362 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 13,2%.

Ông Trang Thanh Ba, Phó tổng giám đốc xi măng Fico cho biết, với nhu cầu thị trường miền Nam và phục vụ xuất khẩu, năm 2014, công ty sẽ chạy hết công suất nhà máy, cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 triệu tấn xi măng, đồng thời tiếp tục thực hiện phương châm “chất lượng sản phẩm tốt, giá cả cạnh tranh, dịch vụ chăm sóc khách hàng tận tụy”.

Một “ông lớn” khác trong ngành là CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên 1 cũng xác nhận, thị trường tiêu thụ xi măng 4 tháng 2014 có khá hơn so với cùng kỳ năm trước. Theo Nghị quyết ĐHCĐ vừa công bố, năm 2014, CTCP Xi Măng Hà Tiên 1 đặt kế hoạch tiêu thụ 4,9 triệu tấn xi măng và khoảng 800.000 tấn clinker…

Sự thận trọng trong kế hoạch sản xuất của các DN xi măng tại thời điểm này là hoàn toàn có cơ sở. Dù cầu về xi măng gia tăng và có những tín hiệu khởi sắc, nhưng cạnh tranh trên thị trường xi măng không vì thế mà dễ thở hơn, khi thị trường có thêm nhân tố mới. Nhà máy Xi măng Xuân Thành (Quảng Nam) ra mắt lô sản phẩm đầu tiên vào trung tuần tháng 3 vừa qua được xem là mối lo không hề nhỏ cho nhiều DN xi măng cùng kinh doanh trên địa bàn.

Với công suất 2 triệu tấn/năm, sản phẩm của nhà máy ra mắt tại thời điểm này làm cho thị trường xi măng trở nên “chật chội” hơn, buộc các DN phải cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường.

Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành, chủ đầu tư Nhà máy xi măng Xuân Thành cho rằng, việc chọn xây dựng nhà máy tại huyện biên giới Nam Giang, Quảng Nam là nhằm cung cấp xi măng cho nhiều công trình lớn của Tập đoàn này ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Những năm qua, thị trường xi măng phía Nam có sự nghiêng hẳn về 2 ông lớn là Vicem Hà Tiên và Holcim Việt Nam, khi 2 đơn vị này chiếm tới 50% thị phần, trong đó Vicem Hà Tiên đang là thương hiệu dẫn đầu. Xét về năng lực sản xuất, Hà Tiên hiện là đơn vị có công suất lớn nhất khu vực phía Nam với tổng công suất xi măng đạt 6 triệu tấn/năm, clinker 2,8 triệu tấn/năm.

Sự xuất hiện của xi măng Xuân Thành, dù ít hay nhiều sẽ khiến cho việc cạnh tranh giữ khách hàng của các nhãn hiệu xi măng đi trước càng trở nên chật vật hơn.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay, thị trường xi măng đang có dấu hiệu sáng sủa hơn, đó là điều tích cực với các DN xi măng. Trong trường hợp có những biến động tăng mạnh hơn về sản lượng tiêu thụ, thì ngành xi măng đang làm chủ khá tốt vấn đề điều tiết cung – cầu.

“Những năm vừa qua, ngành xi măng đẩy mạnh công tác xuất khẩu và kết quả năm 2013 xuất khẩu hơn 8 triệu tấn xi măng, clinker. Nếu nhu cầu trong nước tăng cao trở lại, một lượng xi măng xuất khẩu sẽ ngay lập tức trở lại phục vụ nhu cầu trong nước”, ông Tới khẳng định.


Năm 2014, nhu cầu tiêu thụ toàn ngành xi măng khoảng 62 - 63 triệu tấn, tăng 2 - 3% so với năm 2013, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 48,5 - 49 triệu tấn, xuất khẩu 13,5 -14 triệu tấn. Tổng công suất thiết kế của ngành xi măng tại thời điểm hiện tại là 73 triệu tấn.



Nguồn: cafef.vn

Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương vừa thông qua Nghị quyết về Đề án công nhận thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại II. Theo quy định tại Nghị định số 42/2009/NĐ-CP ngày 07/5/2009 của Chính phủ về việc phân loại đô thị, trong đó với 6 tiêu chuẩn cơ bản về phân loại đô thị bao gồm: “1. Chức năng đô thị; 2. Quy mô dân số; 3. Mật độ dân số; 4. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; 5. Hệ thống công trình hạ tầng đô thị; 6. Kiến trúc cảnh quan đô thị”  thì đô thị Thủ Dầu Một đã đạt được 5/6 tiêu chuẩn với tổng số điểm là 90,54/100 điểm. Các tiêu chuẩn phân loại đô thị của thành phố Thủ Dầu Một phần lớn đáp ứng quy định, riêng quy mô dân số tuy chưa đạt theo quy định nhưng với tốc độ phát triển theo hướng đô thị công nghiệp - dịch vụ, thương mại du lịch như hiện nay thì trong tương lai gần thành phố Thủ Dầu Một sẽ dần đạt quy mô dân số theo tiêu chuẩn phân loại đô thị.
Mục tiêu chung của tỉnh là phấn đấu sau năm 2015 đô thị Bình Dương có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đạt nền tảng của đô thị loại I, để năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Chương trình số 19-CTr/TU ngày 20/7/2011 của Tỉnh ủy Bình Dương về phát triển đô thị tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Để đạt được mục tiêu trên, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, nhân dân trong tỉnh cần tích cực phấn đấu, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà và từng bước chỉnh trang đô thị, đầu tư đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo các quy hoạch được duyệt nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra.
Bên cạnh đó, ngày 29/12/2013, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 136/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bến Cát để thành lập thị xã Bến Cát; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Tân Uyên thành lập thị xã Tân Uyên và thành lập 16 phường thuộc thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên, thị xã Thuận An và thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Với mục tiêu chung của tỉnh Bình Dương đang phấn đấu và những thành tựu mà thành phố Thủ Dầu Một đã đạt được trong tiến trình phát triển đô thị như hiện nay là cơ sở vững chắc để Bộ Xây dựng thẩm định và trình Chính phủ công nhận thành phố Thủ Dầu Một là đô thị loại II.

Nguồn: binhduong.gov.vn

Quy hoạch chung Thủ Dầu Một: Phát triển đô thị đa trung tâm


Thủ Dầu Một (TDM) là “thủ đô” của tỉnh Bình Dương, cách TP.HCM 30 km về phía nam, có diện tích tự nhiên trên 11.866 ha, dân số 250.000 người. Thành phố Thủ Dầu Một hiện có 11 phường, 3 xã giáp ranh với huyện Bến Cát, Tân Uyên, thị xã Thuận An và huyện Củ Chi TP.HCM (ngăn cách bởi sông Sài Gòn). Tính chất của đồ án quy hoạch xác định TDM là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương, là trung tâm chính trị - kinh tế – văn hóa – khoa học kỹ thuật, trung tâm công nghệ cao cấp của Bình Dương. Là trung tâm phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao phục vụ nhu cầu vùng TP.HCM. Do đó, đến 2015 TDM sẽ là đô thị loại II thuộc tỉnh Bình Dương, đến năm 2020 là đô thị loại I và là quận thuộc thành phố Bình Dương.




Kiến trúc sư Gael Desveaux (người Pháp) – Tổng giám đốc Arep Việt Nam, một trong những liên doanh thiết kế đồ án quy hoạch này cho biết định hướng phát triển không gian đô thị TDM, “TDM phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm và nguyên tắc phát triển: cân bằng sự phát triển không gian và kinh tế tại các trung tâm đô thị khác nhau. Tổ chức phát triển không gian theo nguyên tắc ‘đô thị nén’ trung bình. Thiết kế mạng lưới đường và giao thông công cộng rõ ràng cho từng khu vực đô thị. Củng cố cấu trúc quan trọng của cảnh quan sông rạch đối với cấu trúc đô thị. Từ đó tạo ra ưu điểm nổi bật cho thành phố trung tâm của Bình Dương. Vì vậy khi quy hoạch chúng tôi chia TDM thành 3 khu vực, mỗi khu vực đều có chiến lược phát triển riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế sẵn có.”

Theo đồ án quy hoạch, TDM được chia thành 3 khu vực chính: khu vực 1 là khu vực phía nam (quanh đại lộ Bình Dương và đường Phú Lợi) là khu vực dịch vụ, kinh doanh, tài chính thương mại cấp tỉnh, là trung tâm chính trị của TDM gồm đầy đủ các công trình dịch vụ đô thị tương đương cấp quận. Khu vực này bao gồm các phường: Phú Cường, Phú Lợi, Phú Hòa, Phú Thọ, Chánh Nghĩa và Hiệp Thành tiếp tục phát triển các chức năng đô thị trên cơ sở hiện trạng. Đồng thời tổ chức cụm giao thông trung tâm vào trung tâm tài chính thương mại Phú Tân. Khu vực 2 là khu vực phát triển phía Đông - Bắc (khu liên hợp Bình Dương) là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế và công nghiệp của Bình Dương khu vực này gồm các phường Hòa Phú, Phú Tân, Phú Mỹ và một phần xã Tân Vĩnh Hiệp (huyện Tân Uyên). Chiến lược phát triển đô thị của khu vực này là khu vực đô thị đa chức năng, đồng thời phát triển các khu dân cư gắn liền với các khu công nghiệp. Khu vực 3 là khu vực phía Tây (ven sông sài gòn), đây là khu vực phát triển du lịch sinh thái, gồm các phường hiệp hòa, định an và các xã Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Tân An, một phần xã Tân Định (huyện Bến Cát). Dựa vào diện tích đất nông nghiệp và cảnh quan sông ngòi, khu vực này dành riêng cho phát triển vườn cây ăn trái với các hoạt động du lịch, khu vườn trong đô thị. Từ đó tạo ra bản sắc kiến trúc mang tính đặc thù, chú trọng tổ chức các khu vườn nhà ở hướng ra sông…

Ông Huỳnh Văn Minh – Viện trưởng Viện quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương phân tích thêm: Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay của TDM khoảng 86%, đến năm 2015 là 90,6% với dân số đô thị khoảng 375.000 người, đến năm 2020 cần dân số trên 515.000 để tỷ lệ đô thị hóa 100%. Vì vậy nhu cầu nhà ở và diện tích bình quân đầu người cũng tăng lên, hiện nay diện tích nhà ở bình quân mới đạt 18,6m2/người, đến năm 2015 tăng lên 22m2/người, giai đoạn 2020-2030 là 25m2/người. Nhà ở khu vực phía Nam được nâng cấp theo dạng ô phố là chủ yếu, từng bước cấy ghép mô hình nhà ở chung cư cao tầng mật độ thấp như chung cư Becamex Center, chung cư Chợ Đình… Khu vực phía Bắc phát triển dạng nhà vườn thấp tầng, phía Đông phát triển nhà ở cao tầng hiện đại, ưu tiên chung cư cao tầng kết hợp trung tâm thương mại, phía Tây phát triển nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái. Đi cùng việc phát triển các loại hình nhà ở thì TDM cũng chú trọng phát triển thêm nhà ở tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua…


Nguồn: baoxaydung.com.vn

Công bố quy hoạch chung đô thị Bình Dương và đô thị Thủ Dầu Một


Sáng 3/7 tại UBND tỉnh Bình Dương, Viện quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương đã tổ chức lễ công bố đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2020.




Đây là 2 đồ án quan trọng làm cơ sở để các cấp các ngành triển khai công tác quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Qua đó đảm bảo lộ trình phát triển nâng cấp đô thị tỉnh Bình Dương theo quyết định 81/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020. Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Thủ Dầu Một nhằm đáp ứng yêu cầu của phương án quy hoạch các đơn vị hành chính tỉnh Bình Dương giai đoạn 2007 – 2020. Trong đó, quy hoạch Thủ Dầu Một là đô thị loại II thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương đến năm 2015, đến 2020 là đô thị loại I và là quận thuộc thành phố Bình Dương. 2 đồ án này do Sở xây dựng Bình Dương làm chủ đầu tư do liên doanh tư vấn của Pháp và Việt Nam là Cty Arep – Cobeta- Sogreah và Cty tnhh tư vần thiết kế Phương Nam (Socopai) thiết kế.

Quy hoạch chung đô thị Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt bằng quyết định 1701/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương ngày 26/6/2012 xây dựng Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc trung ương vào giai đoạn 2020 – 2030. Trước mắt đến năm 2015 Bình Dương gồm 1 thành phố, 4 thị xã và 4 huyện trực thuộc tỉnh. Hoành thành việc xây dựng trung tâm chính trị hành chính tập trung của tỉnh, phát triển khu đô thị mới Hòa Phú – Phú Tân (Thành phố mới Bình Dương hiện nay) gắn kết với đô thị Thủ Dầu Một hiện hữu, trở thành đô thị trung tâm của hệ thống đô thị Bình Dương. Trên cơ sở phân tích kinh tế xã hội đô thị vùng kinh ết trọng điểm phía nam, vùng Thành phố Hồ Chí Minh nên Bình Dương lựa chọn phương án phét triển đồng đều theo chiến lược khu vực: phía nam, phía bắc và trung tâm. Mô hình chùm đô thị và đô thị vệ tinh liên kết chặt chẽ với nhau trên nguyên tắc “một đô thị ba chiến lược phát triển kết nối với hành lang xanh.

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đô thị Thủ Dầu Một đến năm 2020 được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt bằng quyết định 1702/QĐ-UBND tỉnh Bình Dương ngày 26/6/2012, xây dựng Thủ Dầu Một phát triển bền vững có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại. Phát triển hài hòa giữa văn hóa bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế trong đó chú trọng bảo vệ môi trường. Xây dựng đô thị Thủ Dầu Một trở thành đô thị phát triển, năng động có sức cạnh tranh cao trong tỉnh, trong nước, có môi trường sống, làm việc tốt sinh, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và cơ hội đầu tư thuận lợi. Theo đó đến năm 2015 Thủ Dầu Một sẽ là đô thị loại II gồm 12 phường, 2 xã, đến 2020 nâng lên 14 phường và là đô thị loại I. Thủ Dầu Một phát triển theo mô hình đô thị đa trugn tâm và nguyên tắc phát triển, cân bằng sự phát triển không gian và kinh tế tại các trung tâm đô thị khác nhau. Tổ chức không gian đô thị theo nguyên tắc “đô thị nén” trung bình. Thiết kế mạng lưới đường và giao thông công cộng rõ ràng cho từng khu vực đô thị; củng cố cấu trúc của cảnh quan sông rạch đối với cấu trúc đô thị; tạo ra ưu điểm nổi bật cho thành phố trung tâm của Bình Dương.


Nguồn: Baoxaydung.com.vn


Giải pháp công nghệ thu gom, xử lý Chất Thải Rắn: Phải hài hòa các tiêu chí


Việt Nam hiện đang áp dụng được một số công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR), tuy nhiên, vấn đề xử lý rác vẫn đang là bài toán gây đau đầu cho cơ quan chức năng. Lý do, công nghệ nào cũng mang lại hiệu quả nhất định nhưng đồng thời có những tác hại, bất cập. Vậy làm sao có thể có được các giải pháp công nghệ để xử lý CTR phù hợp ở Việt Nam?

Vẫn chủ yếu là san lấp

Cùng với việc khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư thu gom vận chuyển và xử lý CTR, hiện đã có một số nhà đầu tư là những doanh nghiệp tư nhân, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ, đầu tư xây dựng các nhà máy sử dụng công nghệ mới, góp phần gìn giữ môi trường, giảm khối lượng rác thải chôn lấp. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cho đến nay, cả nước có gần 30 nhà máy xử lý CTR đã được đầu tư xây dựng với công nghệ nước ngoài và trong nước. Các công nghệ xử lý CTR đang áp dụng là chôn lấp, sản xuất phân compost, đốt, trong đó, chôn lấp chiếm 80%.

Bên cạnh công nghệ chôn lấp, thì xử lý rác thành phân hữu cơ hiện nay có 22 nhà máy đang hoạt động, bao gồm các nhà máy sử dụng công nghệ nước ngoài và công nghệ trong nước. Cụ thể, các nhà máy xử lý rác sử dụng công nghệ nước ngoài, vay vốn ODA đang hoạt động gồm nhà máy tại Cầu Diễn (Hà Nội, công suất 50 tấn/ngày, công nghệ Tây Ban Nha; nhà máy tại Nam Định, 250 tấn/ngày, công nghệ Pháp; nhà máy tại Tràng Cát (Hải Phòng), 200 tấn/ngày, công nghệ Hàn Quốc…

Ngoài ra còn có các nhà máy sử dụng công nghệ trong nước cũng được đầu tư ở một số địa phương như TP Vinh (Đông Vinh, 200 tấn/ngày, công nghệ Seraphin), TP Huế (Thủy Phương, 150 tấn/ngày, công nghệ ASC), Kiên Giang (200 tấn/ngày, công nghệ ASC)… Đáng ghi nhận là các nhà máy sử dụng công nghệ trong nước chi phí đầu tư và vận hành không cao, tiết kiệm sử dụng đất đai, tận dụng tái chế một số thành phần chất thải, góp phần giảm lượng CTR phải chôn lấp.

Ngoài ra, đốt rác tập trung đang cũng là giải pháp xử lý CTR được nhiều địa phương triển khai và dần mở rộng. Một số nhà máy đã hoạt động như Xuân Sơn (Hà Nội), Đông Thạch (TP.HCM), Phúc Khánh (Thái Bình)… Một số nơi khác đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy theo công nghệ này như Nam Sơn, Đông Anh… Công nghệ đốt tuy chiếm diện tích ít nhưng chi phí xử lý và vận hành cao.

Chưa tìm được công nghệ phù hợp?

Theo nhận định của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), sau 5 năm thực hiện Nghị định 59/2007/NĐ-CP (NĐ 59) về quản lý CTR cho thấy, các công nghệ nước ngoài chi phí cao, lại chưa phù hợp với tính chất rác thải và rác chưa được phân loại tại nguồn nên hiệu quả hoạt động còn thấp. Một số công nghệ trong nước đang triển khai áp dụng bước đầu đem lại hiệu quả nhất định nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện công nghệ, máy móc thiết bị chế tạo, chưa được thị trường hóa. Nhiều địa phương có một số dự án đầu tư nhưng các dự án chi phí cao, quy mô công suất lớn, gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn công nghệ cũng như việc quản lý các dự án và đánh giá, kiểm tra, giám sát khi đi vào vận hành.

Ông Nguyễn Gia Long - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Thủy lực máy thừa nhận: Công nghệ hiện đại không chỉ dừng ở việc xử lý rác mà phải biến rác thành sản phẩm hữu ích, từ đó mới có khả năng "nuôi" được công nghệ. Thực tế cho thấy, khá nhiều công nghệ xử lý rác đã được nghiên cứu thành công nhưng chỉ sau khi chuyển giao một thời gian đã không thể phát huy hiệu quả, không thể lấy thu bù chi.

Theo PSG.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng: Trong điều kiện Việt Nam hiện nay (rác thải chưa được phân loại tại nguồn) thì việc chôn lấp vẫn là phổ biến. Tuy nhiên sẽ phải có hướng dẫn để việc chôn lấp phải hợp vệ sinh, chiếm ít đất và xử lý được ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc đốt rác cũng là một hướng nghiên cứu áp dụng tuy nhiên chi phí xử lý đắt chỉ phù hợp với các đô thị lớn có điều kiện và có nguồn chi trả. Còn sản xuất phân cần được hoàn thiện về chất lượng sản phẩm và có thị trường tiêu thụ.




Nguồn: Baoxaydung.com.vn

Công nghệ xây tầng hầm từ trên xuống


Trong xây dựng dân dụng, khi cần “xây” tới 3 tầng hầm người ta không chỉ xây từ dưới tầng hầm thứ 3 trở lên, mà có thể xây dựng tấng hầm 1 trước, sau đó tiếp tục thi công từ trên xuống dưới, gọi là công nghệ top-down (từ trên xuống).


Máy đào đang moi đất từ tầng dưới, cốt thép chờ để hoàn thiện dầm, cột.


Khi ấy, các tầng nổi cũng cho phép cùng xây lên cao đồng thời. Thời gian thi công sẽ nhanh hơn. Cố nhiên các cọc móng chịu lực phải khoan chung cho cả tầng hầm và tầng nổi từ trước đó.

Trong công nghệ top-down, các tầng hầm được thi công bằng cách: Tường vây bằng hệ cọc barrette đóng sâu xung quanh nhà. Khi bắt đầu, người ta đào rãnh trên mặt đất, làm khuôn đúc dầm cho tầng hầm thứ nhất, sau đó đổ sàn bê tông “cốt 00”, lúc này người ta bỏ lại 1 diện tích hợp lý, sau này diện tích để lại sẽ là khu xây thang bộ, thang máy. Diện tích này đủ để đưa máy đào, xúc và xe chở đất xuống, máy đào, xúc sẽ moi dần đất lên, tránh chạm vào cột khoan nhồi móng.

Lại nói các cột khoan nhồi móng này, người ta đã tính sẵn chiều cao các tầng hầm để đặt sẵn thép chờ, hoặc cấu trúc các “vai”, sau này sẽ cấu tạo dầm tầng hầm.

Khi đào hết khối lượng đất, lộ ra không gian và toàn bộ các cột sàn hầm 1. Lúc này cần hoàn thiện cột, tường, theo tiêu chuẩn chịu lực.

Công việc tiếp theo lại đúc “dầm sát đất” đào rãnh trên mặt đất, dùng ngay mặt đất để làm khuôn, và đổ tiếp sàn hầm 1… lại bỏ lại diện tích hợp lý để đưa máy xuống moi tiếp tầng 2. Cứ thế, mỗi “dầm sát đất” sau sẽ là dầm chịu lực khi đất được moi đi. Các sàn hầm được liên kết chắc với các cốt thép làm trụ đỡ chờ sẵn (nêu trên), và liên kết chắc với hệ tường vây.

Việc hoàn thiện, trang trí, cũng như lắp đặt điện nước ở tầng hầm được tiến hành như các tầng nổi.

Do yêu cầu thi công liên tục, phải tháo ván khuôn sớm để tiến hành đào đất thi công tiếp tục phần dưới, nên các kỹ sư dùng phụ gia để giúp bê tông đạt được cường độ trong thời gian ngắn, có thế đạt trên 90% cường độ thiết kế trong vòng 7 ngày.

Khi thi công các tầng hầm bằng phương pháp top-down thường gặp nước ngầm gây khó khăn rất nhiều cho việc thi công, thông thường người ta phải hạ mực nước máy bơm.

Máy đào ở đây là máy chuyên dùng loại nhỏ, máy san đất loại nhỏ, máy lu nền loại nhỏ.

Cốt thép của sàn và dầm được nối với tường nhờ khoan xuyên tường và lùa thép vào sau. Sau đó dùng vữa ximăng trộn với “keo” bơm xịt vào lỗ khoan đã đặt thép.

Theo Hội xây dựng Việt Nam, một số ưu điểm của công nghệ top-down: là: Không cần diện tích đào móng lớn hoặc đỡ tốn chi phí phải làm tường chắn độc lập. Cho phép đẩy nhanh tiến độ thi công, khi đang làm tầng hầm vẫn có thể đồng thời làm phần trên, tiết kiệm thời gian.

Không phải chi phí cho hệ chống phụ. Hệ chống tạm thường rất phức tạp vướng không gian thi công và rất tốn kém, so với phương pháp đào truyền thống thì chi phí cho chống đỡ 3 tầng hầm và vật tư neo giáo đỡ khá cao. Phương án thi công top-down giải quyết được vấn đề trượt mái đào, lún nứt...giảm ảnh hưởng xấu của thời tiết, cho dù khi thi công phải lắp đặt hệ thống thông gió và chiếu sáng nhân tạo vì ở dưới sâu thiếu ánh sáng.

Theo Hội xây dựng Việt Nam, công nghệ này được áp dụng ở Việt Nam lần đầu tiên tại TP.HCM. Hàng chục công trình ở Hà Nội cũng tiếp tục áp dụng thành công.

Nguồn: Chinhphu.vn


Mánh trốn thuế của thép Trung Quốc


Nhiều nhà nhập khẩu đã “hô biến” thép xây dựng sang thép hợp kim để tuồn thép Trung Quốc vào VN với mức thuế được hưởng 0%.

Trà trộn để trốn thuế

Một trong những thách thức đối với thị trường trong nước là sự cạnh tranh không lành mạnh ở phân khúc thép xây dựng khi thép Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào thị trường với mức giá khá rẻ.






Tại Hội nghị Phổ biến Thông tư liên tịch 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN Quy định về quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu diễn ra sáng 25/3, ông Chu Đức Khải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nêu thực trạng, năm 2013 một lượng lớn thép Trung Quốc đã được nhập khẩu vào Việt Nam, chủ yếu là thép phi 6 và phi 8.

Lợi dụng việc không quy định in tên thương hiệu trên thép phi 6 và 8, thép Trung Quốc nhập về Việt Nam với chất lượng không đảm bảo đã trà trộn cùng thép nội, gây sự lẫn lộn và ảnh hưởng tới uy tín của DN sản xuất thép trong nước.

Cùng với đó thép cuộn Trung Quốc có pha thêm hợp chất Bo (thép kim B) chứa tỷ lệ 0,0008% chất Bo nhập khẩu vào Việt Nam dưới mác là thép hợp kim để được hưởng lợi thuế.

Theo ông Chu Đức Khải, bản chất của thép kim B được sản xuất trên thế giới đều là thép chất lượng và thép hợp kim dùng trong công nghiệp chế tạo máy. Thép xây dựng không chứa B vì không có tác dụng. Thêm nữa, thuế suất đánh vào 2 loại thép này hoàn toàn khác nhau.

Trong khi thép cuộn thuế nhập khẩu là 12-15% còn thép hợp kim là 0%. Một khoản thuế không nhỏ đã hụt thu bởi mánh gian lận thương mại của thép Trung Quốc.

Đồng quan điểm, ông Hồ Nghĩa Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng cho rằng, quản lý chất lượng thép là vấn đề nóng trong nhiều năm, đặc biệt trong thời gian gần đây khi cung cầu thị trường thép trong nước mất cân đối nghiêm trọng, mà áp lực của các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải đối mặt với thép ngoại nhập, đặc biệt là thép nhập lậu từ Trung Quốc có chứa nguyên tố Bo.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, 2 tháng đầu năm 2014 lượng sắt thép thô sản xuất chỉ đạt 283.000 tấn - giảm 26,5%, thép thanh, thép góc đạt 430.000 tấn - giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2013. Sản xuất thép xây dựng của các DN trong hiệp hội thép tháng 2/2014 đạt 255.057 tấn, giảm 20,29% so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ năm 2013 thép xây dựng lại vẫn tăng trưởng được 4,63%.

Dự báo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, nhu cầu thép cả nước năm 2014 không tăng đột biến. Tổng tiêu thụ thép đạt từ 12,2 - 12,5 triệu tấn, tăng 3-5% so với năm 2013.

Siết cửa nhập khẩu thép

Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN ra đời là cơ sở để quản lý chặt chẽ chất lượng đối với nhà sản xuất và nhập khẩu, bảo vệ hoạt động sản xuất và kinh doanh thép tại thị trường trong nước một cách lành mạnh hơn.

Theo quy định của Thông tư liên tịch 44, các loại thép nhập khẩu sẽ phải lấy mẫu để kiểm tra, nếu đạt tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng mới cho phép nhập khẩu. Bên cạnh đó, đối với nhà sản xuất thép trong nước cũng sẽ phải áp dụng theo hệ thống quản lý chất lượng của thông tư này

Trong Thông tư 44 quy định rõ đối tượng và điều kiện nhập khẩu thép. Theo đó, thép nhập khẩu phải được công bố hợp chuẩn, chứng nhận hợp chuẩn hoặc công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn tương ứng bởi tổ chức chứng nhận do Bộ Công Thương - Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ định, hoặc ra văn bản xác nhận.

Trường hợp thép nhập khẩu không đáp ứng quy định, khi nhập khẩu phải lấy mẫu kiểm tra tại cảng theo quy trình được quy định tại thông tư 28/2012/TT-BKHCN do các tổ chức giám định được Bộ Công Thương chỉ định, hoặc được thừa nhận. Kết quả kiểm tra đạt yêu cầu là căn cứ để Hải quan làm thủ tục thông quan.

Đối với một số sản phẩm thép hợp kim phải đảm bảo điều kiện quy định trong tiêu chuẩn thép hợp kim sử dụng cho sản xuất sản phẩm nhà sản xuất đăng ký với Bộ Công Thương, và có xác nhận năng lực sản xuất của Bộ Công Thương.

Còn loại thép có quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất cho sản phẩm, hàng hóa đó thì người NK phải cung cấp thêm giấy chứng nhận liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất do tổ chức chứng nhận được Bộ Công Thương chỉ định hoặc được thừa nhận cấp.

Việc quy định buộc các doanh nghiệp sản xuất thép hợp kim phải đăng ký năng lực sản xuất tại Thông tư 44 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc chống gian lận thương mại, bởi Việt Nam vẫn nhập khẩu những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được như cán tấm nóng, thép hợp kim, thép chế tạo hoặc nguyên liệu cho sản xuất như thép phế nhập tới 70-80% theo nhu cầu thị trường, nhưng có những sản phẩm trong nước dư thừa như thép xây dựng vẫn được nhập vào là rất vô lý.

Điều đáng chú ý là, những sản phẩm này chủ yếu là thép Trung Quốc đã lợi dụng chính sách thuế của Việt Nam để cạnh trạnh không lành mạnh với thép trong nước, trong đó lợi dụng quy định thép hợp kim được hưởng thuế suất 0% mà nhiều nhà nhập khẩu đã “hô biến” thép xây dựng sang thép hợp kim.

Tại hội nghị lần này nhiều vấn đề khác được các doanh nghiệp quan tâm, đó là thời gian được cấp giấy chứng nhận hợp quy, những trường hợp nào phải đăng ký năng lực sản xuất và đăng ký năng lực sản xuất dựa trên những tiêu chuẩn nào…

Theo VSA, hiện nay tổng công suất thép xây dựng cả nước đạt trên 11 triệu tấn nhưng tiêu thụ chỉ quanh mức 5,5 triệu tấn, đây là áp lực khiến cho áp lực cạnh tranh tiếp tục đè nặng lên vai các doanh nghiệp ngành thép. Không những phải đối mặt với việc dư thừa công suất mà các doanh nghiệp thép trong nước còn phải đối mặt với lượng lớn thép nhập khẩu.

Nguồn: vtc.vn


Sửa Chữa Nhà Xưởng Bình Dương
SĐT: 0903 700 500 (Mr Hóa)
Email: hoa.insight123@gmail.com
Địa chỉ: 196 Yersin, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương