Giải pháp công nghệ thu gom, xử lý Chất Thải Rắn: Phải hài hòa các tiêu chí


Việt Nam hiện đang áp dụng được một số công nghệ xử lý chất thải rắn (CTR), tuy nhiên, vấn đề xử lý rác vẫn đang là bài toán gây đau đầu cho cơ quan chức năng. Lý do, công nghệ nào cũng mang lại hiệu quả nhất định nhưng đồng thời có những tác hại, bất cập. Vậy làm sao có thể có được các giải pháp công nghệ để xử lý CTR phù hợp ở Việt Nam?

Vẫn chủ yếu là san lấp

Cùng với việc khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư thu gom vận chuyển và xử lý CTR, hiện đã có một số nhà đầu tư là những doanh nghiệp tư nhân, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển công nghệ, đầu tư xây dựng các nhà máy sử dụng công nghệ mới, góp phần gìn giữ môi trường, giảm khối lượng rác thải chôn lấp. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cho đến nay, cả nước có gần 30 nhà máy xử lý CTR đã được đầu tư xây dựng với công nghệ nước ngoài và trong nước. Các công nghệ xử lý CTR đang áp dụng là chôn lấp, sản xuất phân compost, đốt, trong đó, chôn lấp chiếm 80%.

Bên cạnh công nghệ chôn lấp, thì xử lý rác thành phân hữu cơ hiện nay có 22 nhà máy đang hoạt động, bao gồm các nhà máy sử dụng công nghệ nước ngoài và công nghệ trong nước. Cụ thể, các nhà máy xử lý rác sử dụng công nghệ nước ngoài, vay vốn ODA đang hoạt động gồm nhà máy tại Cầu Diễn (Hà Nội, công suất 50 tấn/ngày, công nghệ Tây Ban Nha; nhà máy tại Nam Định, 250 tấn/ngày, công nghệ Pháp; nhà máy tại Tràng Cát (Hải Phòng), 200 tấn/ngày, công nghệ Hàn Quốc…

Ngoài ra còn có các nhà máy sử dụng công nghệ trong nước cũng được đầu tư ở một số địa phương như TP Vinh (Đông Vinh, 200 tấn/ngày, công nghệ Seraphin), TP Huế (Thủy Phương, 150 tấn/ngày, công nghệ ASC), Kiên Giang (200 tấn/ngày, công nghệ ASC)… Đáng ghi nhận là các nhà máy sử dụng công nghệ trong nước chi phí đầu tư và vận hành không cao, tiết kiệm sử dụng đất đai, tận dụng tái chế một số thành phần chất thải, góp phần giảm lượng CTR phải chôn lấp.

Ngoài ra, đốt rác tập trung đang cũng là giải pháp xử lý CTR được nhiều địa phương triển khai và dần mở rộng. Một số nhà máy đã hoạt động như Xuân Sơn (Hà Nội), Đông Thạch (TP.HCM), Phúc Khánh (Thái Bình)… Một số nơi khác đang tiếp tục đầu tư xây dựng nhà máy theo công nghệ này như Nam Sơn, Đông Anh… Công nghệ đốt tuy chiếm diện tích ít nhưng chi phí xử lý và vận hành cao.

Chưa tìm được công nghệ phù hợp?

Theo nhận định của Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), sau 5 năm thực hiện Nghị định 59/2007/NĐ-CP (NĐ 59) về quản lý CTR cho thấy, các công nghệ nước ngoài chi phí cao, lại chưa phù hợp với tính chất rác thải và rác chưa được phân loại tại nguồn nên hiệu quả hoạt động còn thấp. Một số công nghệ trong nước đang triển khai áp dụng bước đầu đem lại hiệu quả nhất định nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện công nghệ, máy móc thiết bị chế tạo, chưa được thị trường hóa. Nhiều địa phương có một số dự án đầu tư nhưng các dự án chi phí cao, quy mô công suất lớn, gây khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn công nghệ cũng như việc quản lý các dự án và đánh giá, kiểm tra, giám sát khi đi vào vận hành.

Ông Nguyễn Gia Long - Chủ tịch HĐQT Cty TNHH Thủy lực máy thừa nhận: Công nghệ hiện đại không chỉ dừng ở việc xử lý rác mà phải biến rác thành sản phẩm hữu ích, từ đó mới có khả năng "nuôi" được công nghệ. Thực tế cho thấy, khá nhiều công nghệ xử lý rác đã được nghiên cứu thành công nhưng chỉ sau khi chuyển giao một thời gian đã không thể phát huy hiệu quả, không thể lấy thu bù chi.

Theo PSG.TS Nguyễn Hồng Tiến - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng: Trong điều kiện Việt Nam hiện nay (rác thải chưa được phân loại tại nguồn) thì việc chôn lấp vẫn là phổ biến. Tuy nhiên sẽ phải có hướng dẫn để việc chôn lấp phải hợp vệ sinh, chiếm ít đất và xử lý được ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc đốt rác cũng là một hướng nghiên cứu áp dụng tuy nhiên chi phí xử lý đắt chỉ phù hợp với các đô thị lớn có điều kiện và có nguồn chi trả. Còn sản xuất phân cần được hoàn thiện về chất lượng sản phẩm và có thị trường tiêu thụ.




Nguồn: Baoxaydung.com.vn

Categories: