Quy hoạch chung Thủ Dầu Một: Phát triển đô thị đa trung tâm


Thủ Dầu Một (TDM) là “thủ đô” của tỉnh Bình Dương, cách TP.HCM 30 km về phía nam, có diện tích tự nhiên trên 11.866 ha, dân số 250.000 người. Thành phố Thủ Dầu Một hiện có 11 phường, 3 xã giáp ranh với huyện Bến Cát, Tân Uyên, thị xã Thuận An và huyện Củ Chi TP.HCM (ngăn cách bởi sông Sài Gòn). Tính chất của đồ án quy hoạch xác định TDM là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Dương, là trung tâm chính trị - kinh tế – văn hóa – khoa học kỹ thuật, trung tâm công nghệ cao cấp của Bình Dương. Là trung tâm phát triển du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao phục vụ nhu cầu vùng TP.HCM. Do đó, đến 2015 TDM sẽ là đô thị loại II thuộc tỉnh Bình Dương, đến năm 2020 là đô thị loại I và là quận thuộc thành phố Bình Dương.




Kiến trúc sư Gael Desveaux (người Pháp) – Tổng giám đốc Arep Việt Nam, một trong những liên doanh thiết kế đồ án quy hoạch này cho biết định hướng phát triển không gian đô thị TDM, “TDM phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm và nguyên tắc phát triển: cân bằng sự phát triển không gian và kinh tế tại các trung tâm đô thị khác nhau. Tổ chức phát triển không gian theo nguyên tắc ‘đô thị nén’ trung bình. Thiết kế mạng lưới đường và giao thông công cộng rõ ràng cho từng khu vực đô thị. Củng cố cấu trúc quan trọng của cảnh quan sông rạch đối với cấu trúc đô thị. Từ đó tạo ra ưu điểm nổi bật cho thành phố trung tâm của Bình Dương. Vì vậy khi quy hoạch chúng tôi chia TDM thành 3 khu vực, mỗi khu vực đều có chiến lược phát triển riêng phù hợp với điều kiện tự nhiên và lợi thế sẵn có.”

Theo đồ án quy hoạch, TDM được chia thành 3 khu vực chính: khu vực 1 là khu vực phía nam (quanh đại lộ Bình Dương và đường Phú Lợi) là khu vực dịch vụ, kinh doanh, tài chính thương mại cấp tỉnh, là trung tâm chính trị của TDM gồm đầy đủ các công trình dịch vụ đô thị tương đương cấp quận. Khu vực này bao gồm các phường: Phú Cường, Phú Lợi, Phú Hòa, Phú Thọ, Chánh Nghĩa và Hiệp Thành tiếp tục phát triển các chức năng đô thị trên cơ sở hiện trạng. Đồng thời tổ chức cụm giao thông trung tâm vào trung tâm tài chính thương mại Phú Tân. Khu vực 2 là khu vực phát triển phía Đông - Bắc (khu liên hợp Bình Dương) là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế và công nghiệp của Bình Dương khu vực này gồm các phường Hòa Phú, Phú Tân, Phú Mỹ và một phần xã Tân Vĩnh Hiệp (huyện Tân Uyên). Chiến lược phát triển đô thị của khu vực này là khu vực đô thị đa chức năng, đồng thời phát triển các khu dân cư gắn liền với các khu công nghiệp. Khu vực 3 là khu vực phía Tây (ven sông sài gòn), đây là khu vực phát triển du lịch sinh thái, gồm các phường hiệp hòa, định an và các xã Chánh Mỹ, Tương Bình Hiệp, Tân An, một phần xã Tân Định (huyện Bến Cát). Dựa vào diện tích đất nông nghiệp và cảnh quan sông ngòi, khu vực này dành riêng cho phát triển vườn cây ăn trái với các hoạt động du lịch, khu vườn trong đô thị. Từ đó tạo ra bản sắc kiến trúc mang tính đặc thù, chú trọng tổ chức các khu vườn nhà ở hướng ra sông…

Ông Huỳnh Văn Minh – Viện trưởng Viện quy hoạch phát triển đô thị Bình Dương phân tích thêm: Tỷ lệ đô thị hóa hiện nay của TDM khoảng 86%, đến năm 2015 là 90,6% với dân số đô thị khoảng 375.000 người, đến năm 2020 cần dân số trên 515.000 để tỷ lệ đô thị hóa 100%. Vì vậy nhu cầu nhà ở và diện tích bình quân đầu người cũng tăng lên, hiện nay diện tích nhà ở bình quân mới đạt 18,6m2/người, đến năm 2015 tăng lên 22m2/người, giai đoạn 2020-2030 là 25m2/người. Nhà ở khu vực phía Nam được nâng cấp theo dạng ô phố là chủ yếu, từng bước cấy ghép mô hình nhà ở chung cư cao tầng mật độ thấp như chung cư Becamex Center, chung cư Chợ Đình… Khu vực phía Bắc phát triển dạng nhà vườn thấp tầng, phía Đông phát triển nhà ở cao tầng hiện đại, ưu tiên chung cư cao tầng kết hợp trung tâm thương mại, phía Tây phát triển nhà vườn kết hợp du lịch sinh thái. Đi cùng việc phát triển các loại hình nhà ở thì TDM cũng chú trọng phát triển thêm nhà ở tái định cư, nhà cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua…



Nguồn: baoxaydung.com.vn

Categories: